Nền kinh tế thị trường phát triển, việc giao thương hàng hóa đẩy mạnh, các chủ thể mua bán hàng hóa được biết đến với những tên gọi khác nhau như thương nhân, doanh nghiệp… Vậy thương nhân là gì?
1. Thương nhân là gì?
Theo Điều 6 Luật Thương mại 2005, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.
Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.
Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.
2. Đặc điểm của thương nhân là gì?
Thương nhân có những đặc điểm như sau:
– Về chủ thể gồm chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
+ Với cá nhân (công dân Việt Nam và nước ngoài): Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có đủ điều kiện kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật mới
+ Với tổ chức kinh tế: thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Thương nhân phải thực hiện hành vi thương mại, có nghĩa là phải thực hiện hành vi mua bán hàng hóa, cung ứng các dịch vụ, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
– Thương nhân tiến hành hoạt động thương mại với tư cách là chủ thể pháp luật độc lập, có khả năng bằng hành vi của mình, nhân danh chính mình để tham gia các quan hệ pháp luật và tự chịu trách nhiệm đối với các hành vi đó.
– Thương nhân phải hoạt động thương mại thường xuyên, không bị gián đoạn hay chỉ hoạt động tạm thời, nguồn thu nhập chính của thương nhân chính là từ lợi nhuận của hoạt động thương mại.
– Thương nhân phải có đăng ký kinh doanh
Việc hoàn tất thủ tục hành chính liên quan đến sự đời của chủ thể hoạt động thương mại thể hiện tính chất hợp pháp của thương nhân. Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, thương nhân sẽ được cấp:
+ Doanh nghiệp: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
+ Cá nhân, nhóm kinh doanh: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã: Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
3. Thương nhân và doanh nghiệp giống và khác nhau thế nào?
Theo khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:
Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
3.1. Giống nhau
Đều thực hiện các hoạt động kinh doanh sinh lời, có lợi nhuận.
Hoạt động kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. (khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
3.2. Khác nhau
Có thể thấy, thương nhân và doanh nghiệp có sự phụ thuộc lẫn nhau trên cơ sở những điểm khác biệt.
– Các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp đều được xác định là “thương nhân”. Bởi doanh nghiệp được xác định là một trong những tổ chức kinh tế (theo khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020), có tài sản, có trụ sở giao dịch, và được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không phải mọi thương nhân đều là doanh nghiệp.
Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005, thì khái niệm thương nhân rộng hơn rất nhiều, nên sẽ có 1 số đối tượng là thương nhân nhưng không được xác định là doanh nghiệp như hộ kinh doanh, hợp tác xã, dù cũng là những tổ chức kinh tế được thành lập và thực hiện hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, thương nhân còn bao gồm những cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, và có đăng ký kinh doanh, chứ không chỉ bao gồm doanh nghiệp.
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với chuyên viên, luật sư của Công ty Luật TNHH An Trí Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 0913169599, E-mail: antrivietlaw@gmail.com. Địa chỉ: Số 10BT2 khu nhà ở Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.