Về cơ bản, chủ doanh nghiệp tư nhân có tất cả các quyền của người thành lập, quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những đặc điểm riêng biệt của doanh nghiệp tư nhân, pháp luật cũng có những quy định đặc thù cho chủ doanh nghiệp tư nhân. Hai quyền đặc trưng cơ bản của doanh nghiệp tư nhân có thể kể đến là quyền bán và cho thuê doanh nghiệp tư nhân.
1. Quyền cho thuê doanh nghiệp tư nhân
Chủ doanh nghiệp tư nhân thực hiện cho thuê doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại Điều 191 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
“Điều 191. Cho thuê doanh nghiệp tư nhân
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân của mình nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực. Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân được quy định trong hợp đồng cho thuê.”
Cho thuê doanh nghiệp tư nhân có thể được hiểu là việc chủ doanh nghiệp tư nhân chuyển nhượng quyền chiếm hữu, sử dụng của doanh nghiệp cho người khác trong khoảng thời gian nhất định. Việc cho thuê ở đây là cho thuê toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm những tài sản hữu hình như nhà xưởng, trụ sở, máy móc và cả những tài sản vô hình như tên doanh nghiệp, uy tín của doanh nghiệp…
Việc cho thuê doanh nghiệp không làm chấm dứt tư cách pháp lý của doanh nghiệp đó, không làm thay đổi chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân, vì vậy trong thời hạn cho thuê, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp tư nhân và người thuê doanh nghiệp là mối quan hệ thiết lập trên cơ sở hợp đồng, các bên phải chịu trách nhiệm với nhau theo các điều khoản đã cam kết và cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu phá vỡ.
Ngoài ra, khi cho thuê doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực.
2. Quyền bán doanh nghiệp tư nhân
Điều 192 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về bán doanh nghiệp tư nhân như sau:
“Điều 192. Bán doanh nghiệp tư nhân
1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.
2. Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.
3. Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
4. Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.”
Việc bán doanh nghiệp tư nhân được hiểu là việc chuyển giao toàn bộ tài sản trong doanh nghiệp cho người khác. Sau khi hoàn tất các thủ tục mua bán, bên mua phải đăng ký kinh doanh lại để hoạt động trên cơ sở doanh nghiệp tư nhân đã mua.
Về nguyên tắc chung, việc chủ doanh nghiệp bán doanh nghiệp tư nhân cho chủ thể khác vẫn không làm chấm dứt đi các nghĩa vụ mà doanh nghiệp đang mang và chưa thực hiện hết. Chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người ba vẫn là chủ doanh nghiệp tư nhân cũ. Nguyên tắc này chỉ bị thay đổi nếu giữa chủ doanh nghiệp tư nhân cũ, người mua doanh nghiệp tư nhân mới và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác đi.
Một điều luật tưởng chừng khá rõ ràng, nhưng khi triển khai vào thực tế lại tạo ra nhiều bất cập mà người phải gánh chịu rủi ro lại chính là các khách hàng, chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân này.
Gần đây, có một giao dịch mua bán doanh nghiệp tư nhân diễn ra mà hệ quả tạo ra những vấn đề pháp lý đan xen hết sức rắc rối. doanh nghiệp tư nhân A có chủ sở hữu là ông B. Doanh nghiệp A là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản lớn. Giống như nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khác, doanh nghiệp A phải huy động và vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện dự án. Khi doanh nghiệp tư nhân A không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, chủ nợ khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chủ doanh nghiệp A thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong quá trình tố tụng, chủ doanh nghiệp A chết, những người thừa kế liền ký hợp đồng bán doanh nghiệp này cho người mua là ông X và xuất cảnh ra nước ngoài định cư. Trong hợp đồng mua bán, các bên thỏa thuận rằng người mua sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm đối với các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp tư nhân đã phát sinh trước ngày ký hợp đồng và giá trị hợp đồng mua bán này là rất thấp. Đây có thể là giá trị mà những người thừa kế của ông A đưa ra sau khi đã tính toán cấn trừ giữa các tài sản của doanh nghiệp này và các khoản nợ còn tồn đọng. Tuy nhiên, khi được Tòa án triệu tập, người mua mới cho rằng ông ta chỉ là người mua lại doanh nghiệp tư nhân, những hợp đồng, giao dịch, khoản nợ của doanh nghiệp này đã phát sinh trước thời điểm mua bán doanh nghiệp thì thuộc trách nhiệm của chủ cũ, chủ mới không có bất kỳ trách nhiệm gì.
Xét trong vụ việc trên, về góc độ pháp lý, Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ rằng chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có quyền thỏa thuận khác đi về chế độ trách nhiệm của người chủ cũ đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đã phát sinh trước ngày chuyển giao doanh nghiệp. Như vậy, thỏa thuận giữa ông B và ông X (về việc ông X sẽ tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ của ông B liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trước ngày chuyển giao doanh nghiệp) hoàn toàn có giá trị ràng buộc các bên nếu nhận được sự đồng ý từ các chủ nợ. Thế nhưng về khía cạnh chủ nợ, để xác định được có nên đồng ý hay không, thì điều kiện tiên quyết là phải xác định được giá trị tài sản của chủ cũ và tài sản của chủ mới có sự chênh lệch hay không, giá trị tài sản của chủ mới có đủ để thực hiện các nghĩa vụ của chủ cũ để lại hay không? Đặt trong tình huống cụ thể này, những người thừa kế của chủ cũ đều đã định cư tại nước ngoài nên việc xác định các tài sản mà họ đã thừa kế được từ chủ cũ là hết sức khó khăn. Vì vậy, chẳng chủ nợ nào lại liều lĩnh để chấp thuận giải phóng nghĩa vụ cho chủ cũ trong trường hợp này.
3. Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt
Vấn đề này được quy định tại Điều 193 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
“Điều 193. Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt
1. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
2. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
3. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
4. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện thông qua người đại diện.
5. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân cho cá nhân, tổ chức khác.”
Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định về thực hiện trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong một số trường hợp đặc biệt mà người này không thể thực hiện được quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để đảm bảo lợi ích của chính họ, của doanh nghiệp, người lao động, khách hàng, nhà nước và bên có liên quan. Về cơ bản, chủ doanh nghiệp tư nhân có địa vị pháp lý tương tự như Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chỉ khác về mức độ trách nhiệm – chủ sở hữu là trách nhiệm hữu hạn; còn chủ doanh nghiệp tư nhân là trách nhiệm vô hạn. Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp năm 2014 không có quy định tương tự như đối với chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, bị kết án tù… nhưng không rõ cách thức thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp này. Do đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt, như: chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, bị tạm giam, kết án tù, bị tước quyền hành nghề…
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với chuyên viên, luật sư của Công ty Luật TNHH An Trí Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 0913169599, E-mail: antrivietlaw@gmail.com. Địa chỉ: Số 10BT2 khu nhà ở Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.