Luật An Trí Việt

MỐI QUAN HỆ GIỮA CÔNG TY MẸ VÀ CÔNG TY CON

Công ty mẹ và công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập, có tư cách pháp nhân, song lại có mối quan hệ ràng buộc và sự liên kết chặt chẽ với nhau.

1. Mối quan hệ công ty mẹ, công ty con

Công ty mẹ trong nhóm công ty có thể chi phối công ty con về tài chính, bộ máy tài chính hoặc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về điều kiện của công ty mẹ đối với công ty con:

a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Như vậy, mô hình công ty mẹ – công ty con được xây dựng trên cơ sở công ty mẹ chi phối điều hành, hoạt động của công ty con. Công ty con tuy độc lập về pháp lý nhưng bị hạn chế quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tài chính. Các công ty con buộc phải tuân theo những quy định cứng, thống nhất do công ty mẹ ban hành. Quan hệ chi phối được hình thành thông qua các hoạt động như:

– Chi phối về tài chính: Phần vốn góp của công ty mẹ chiếm tỉ lệ trong vốn điều lệ công ty con đủ để chi phối hoạt động của công ty con (trên 50%). Về bản chất, công ty mẹ chính là cổ đông, thành viên góp vốn của công ty con, tuy nhiên cổ đông, thành viên này giữ quyền chi phối toàn bộ hoặc một phần công ty con tùy thuộc vào phần vốn góp mà công ty mẹ nắm giữ.

– Chi phối về bộ máy quản lý: Công ty mẹ trực tiếp hoặc gián tiếp cử đa số người vào ban điều hành công ty con, chi phối hoặc quyết định phương thức kinh doanh công ty con.

– Chi phối về tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh: Công ty mẹ có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty con.

2. Quy định về sở hữu chéo

Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau (Khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

Quy định cấm sở hữu chéo này nhằm mục đích ngăn chặn các giao dịch bất hợp lý, phi thị trường giữa các doanh nghiệp có quan hệ sở hữu lẫn nhau, các giao dịch này có thể dẫn tới các hành vi chuyển giá, trốn thuế…; Cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được nguồn vốn thực của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn Nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới (khoản 3 Điều 195 quy định).

Doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn Nhà nước là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.  (Điều 12 Nghị định 47/2021/NĐ-CP ngày 1 tháng 4 năm 2021)

Như vậy, việc thành lập công ty con sẽ giúp giảm rủi ro cho công ty mẹ, giúp giảm bớt khối lượng công việc cho công ty mẹ, giúp các công ty đa ngành nghề có thể chia nhỏ các ngành nghề ra để giúp cho việc quản lý, điều hành, trở nên dễ dàng và độc lập với nhau. Việc tập trung vào một lĩnh vực nhất định sẽ giúp cho công ty con có thể phát triển mạnh mẽ và giúp cho quá trình hoạt động hiệu quả hơn. Công ty con nhận được mức vốn đầu tư lớn từ công ty mẹ nên việc đầu tư về các thiết kế, máy móc dễ dàng hơn.

3. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con được quy định tại Điều 196 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Các mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con được xác định trên cơ sở Luật Doanh nghiệp và tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ sông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan, cụ thể:

– Quan hệ giữa công ty mẹ với công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Trong mối quan hệ này, công ty mẹ là góp 100% vốn đối với công ty con. Công ty mẹ nắm quyền lực tối cao, các quyết đinh từ công ty mẹ được thực hiện trực tiếp mà không cần biểu quyết ngoài ra việc thực hiện quyền và nghĩa vụ khác của chủ sở hữu sẽ theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Điều lệ của công ty và các quy định của Chính phủ.

– Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trong quan hệ này, công ty mẹ thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cổ đông, thành viên, bên góp vốn chi phối theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty con. Công ty mẹ quản lý cổ phần, vốn góp chi phối ở công ty con thông qua đại diện của mình tại doanh nghiệp.

Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó. Người quản lý công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh trên cũng phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm. Trường hợp hoạt động kinh doanh này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng cho công ty con bị thiệt hại.

Bên cạnh việc chịu sự chi phối của công ty mẹ, công ty con có quyền yêu cầu công ty mẹ thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và điều lệ, trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 01% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.

4. Báo cáo tài chính của công ty mẹ, công ty con

Để có những thông tin chính xác về hoạt động chung của tập đoàn, pháp luật yêu cầu công ty mẹ, công ty con phải tiến hành báo cáo vào thời điểm kết thúc năm tài chính:

a) Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ theo quy định của pháp luật về kế toán;

b) Báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hằng năm của công ty mẹ và công ty con;

c) Báo cáo tổng hợp công tác quản lý, điều hành của công ty mẹ và công ty con.

Ngoài báo cáo, tài liệu theo quy định của pháp luật, công ty con còn phải lập báo cáo tổng hợp về mua, bán và giao dịch khác với công ty mẹ.

Công ty mẹ thông qua người đại diện theo pháp luật đưa ra yêu cầu đối với công ty con cung cấp báo cáo, tài liệu và thông tin cần thiết theo quy định để lập các báo cáo trên. Từ đó, người chịu trách nhiệm lập báo cáo của công ty mẹ dựa vào các báo cáo công ty con cung cấp để lập báo cáo của công ty mẹ và công ty con. Trong trường hợp người quản lý công ty mẹ đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà vẫn không nhận được báo cáo, tài liệu và thông tin cần thiết theo quy định từ công ty con thì người quản lý công ty mẹ vẫn lập và trình báo cáo công ty mẹ và công ty con. Báo cáo có thể gồm hoặc không gồm thông tin từ công ty con đó, nhưng phải có giải trình cần thiết để tránh hiểu nhầm hoặc hiểu sai lệch. Các báo cáo, tài liệu sau khi lập phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty mẹ, còn bản sao thì được lưu giữ tại chi nhánh của công ty mẹ tại Việt Nam.

Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với chuyên viên, luật sư của Công ty Luật TNHH An Trí Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 0913169599, E-mail: antrivietlaw@gmail.com. Địa chỉ: Số 10BT2 khu nhà ở Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

5/5

Các dịch vụ chính

Bài viết liên quan