1. Khái niệm doanh nghiệp tư nhân
Khoản 1 điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa về doanh nghiệp tư nhân như sau:
“Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”
Trước hết, có thể thấy doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp, nó mang các tính chất đặc trưng của doanh nghiệp cơ bản, chẳng hạn như: tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Tuy vậy, doanh nghiệp tư nhân vẫn có những đặc trưng riêng, phân biệt rõ với các loại hình kinh doanh khác: không có tư cách pháp nhân, chỉ do một cá nhân làm chủ và cá nhân này phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động của công ty.
2. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
– Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ.
Điểm rõ nét nhất để có thể phân biệt doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác là việc doanh nghiệp tư nhân được sở hữu bởi một cá nhân. Nguồn vốn ban đầu được góp vào doanh nghiệp bắt nguồn từ chính tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn này được chủ sở hữu đăng ký trong giấy đăng ký kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với thủ tục đơn giản.
– Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân
Tài sản được sử dụng vào phục vụ cho hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu sang cho doanh nghiệp. Chính vì đặc điểm này mà không có sự phân định giữa tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng được điều kiện để có tư cách pháp pháp nhân theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 “Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”.
– Thứ ba, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp tư nhân, do tính chất độc lập về tài sản không có nên chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ phải chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trách nhiệm tài sản mà chủ doanh nghiệp tư nhân phải gánh chịu không chỉ dừng lại ở việc góp vốn ban đầu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý kinh doanh mà phải là toàn bộ tài sản hiện có.
– Thứ tư, doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán.
Về bản chất, chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Nếu cho phép doanh nghiệp tư nhân phát hành chứng khoán đồng nghĩa với việc phải có sự chia sẻ quyền, lợi ích trong việc quản lý, điều hành và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp, điều này là trái với bản chất một chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, pháp luật hiện hành hạn chế quyền phát hành tất cả các loại chứng khoán đối với doanh nghiệp tư nhân.
– Thứ năm, về phân phối lợi nhuận
Vấn đề phân chia lợi nhuận không đặt ra đối với Doanh nghiệp tư nhân bởi Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu và toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp sẽ thuộc về một mình chủ Doanh nghiệp. Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là cá nhân duy nhất đó sẽ có nghĩa vụ chịu mọi rủi ro trong kinh doanh.
3. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân
3.1. Quyền của doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân có quyền tự chủ động lựa chọn ngành nghề, địa bàn đầu tư, hình thức đầu tư, chủ động mở rộng quy mô và ngành nghề kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân còn có quyền chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
Doanh nghiệp tư nhân có quyền lựa chọn hình thức và cách thức huy động vốn.
Doanh nghiệp tư nhân có quyền kinh doanh xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp tư nhân có quyền tuyển, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh, tự chủ kinh doanh, chủ động áp dụng các phương pháp quản lý khoa học, hiện đại để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
3.2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân trước hết phải đảm bảo việc kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ đối với nhà nước, ghi chép sổ sách kế toán theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm các quy định trong việc sử dụng lao động, chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm chính xác, trung thực trong kê khai và báo cáo, nếu phát hiện thông tin chưa chính xác thì phải sửa đổi ngay; thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh và nghĩa vụ đối với khách hàng.
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với chuyên viên, luật sư của Công ty Luật TNHH An Trí Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 0913169599, E-mail: antrivietlaw@gmail.com. Địa chỉ: Số 10BT2 khu nhà ở Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.