1. Doanh nghiệp siêu nhỏ là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định về doanh nghiệp siêu nhỏ như sau:
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
“1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.”
Ví dụ: Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng
Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực trên là những doanh nghiệp:
Số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội: bình quân năm không quá 10 người;
Tổng nguồn vốn: không quá 03 tỷ đồng;
Tổng doanh thu: không quá 03 tỷ đồng/năm.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: thương mại và dịch vụ
Vì tính chất của ngành nghề thương mại và dịch vụ không đòi hỏi nhiều lao động nhưng lại có thể mang lại doanh thu cao hơn so với các ngành khác, do đó tiêu chí để xác định doanh nghiệp siêu nhỏ đối với hai lĩnh vực này có sự khác biệt:
Số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội: bình quân năm không quá 10 người;
Tổng nguồn vốn: không quá 03 tỷ đồng;
Tổng doanh thu: không quá 10 tỷ đồng/năm.
* Về xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ:
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định về xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể như sau:
“Điều 6. Xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào ngành, nghề kinh doanh chính mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.”
Ngành nghề chính được xác định theo hệ thống ngành kinh tế mới nhất ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
* Cách xác định số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định về xác định số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể như sau:
“Điều 7. Xác định số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội là toàn bộ số lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và trả lương, trả công tham gia bảo hiểm xã hội theo pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm được tính bằng tổng số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội của tất cả các tháng trong năm trước liền kề chia cho 12 tháng.
Số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội của tháng được xác định tại thời điểm cuối tháng và căn cứ trên chứng từ nộp bảo hiểm xã hội của tháng đó mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm được tính bằng tổng số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.”
Theo đó, cách tính số lao động tham gia BHXH bình quân năm được tính bằng công thức sau:
Số lao động tham gia BHXH bình quân năm = Tổng số lao động tham gia BHXH của năm : 12
* Xác định tổng vốn của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa
Tại Điều 8 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
– Tổng nguồn vốn của năm được xác định trong bảng cân đối kế toán thể hiện trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Tổng nguồn vốn của năm được xác định tại thời điểm cuối năm.
– Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội dung hỗ trợ.
* Xác định tổng doanh thu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa
Đối với quy định về xác định tổng doanh thu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì tại Điều 9 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định như sau:
– Tổng doanh thu của năm là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác định trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế.
– Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn quy định tại Điều 8 Nghị định này để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Quyền lợi của Doanh nghiệp siêu nhỏ?
Thứ nhất, không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản
Căn cứ khoản 1 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Nội quy lao động
Nội quy lao động tại Điều 118 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.
Như vậy, công ty bạn không buộc phải ban hành nội quy lao động bằng giấy, tuy nhiên các điều khoản liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất phải được đề cập trong hợp đồng lao động.”
Thứ hai, Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính về thuế, kế toán đơn giản:
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 quy định như sau:
“Hỗ trợ thuế, kế toán
2. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.
Doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.”
Căn cứ Điều 8 Thông tư 132/2018/TT-BTC quy định như sau:
“Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán
1. Các doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ có thể tự tổ chức thực hiện công tác kế toán theo quy định tại Chương III Thông tư này.
2. Việc bố trí người làm kế toán của doanh nghiệp siêu nhỏ phải đảm bảo không vi phạm quy định tại Điều 19 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán.
3. Các doanh nghiệp siêu nhỏ được ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán hoặc dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định của pháp luật. Danh sách đơn vị đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán được công bố và cập nhật định kỳ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.”
Theo đó, Doanh nghiệp siêu nhỏ không buộc phải bố trí kế toán trưởng và có thể thuê dịch vụ tài chính, thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
3. Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế có bắt buộc phải mớ tài khoản kế toán hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 quy định như sau:
“Hỗ trợ thuế, kế toán
2. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.”
Đồng thời căn cứ tại Điều 16 Thông tư 132/2018/TT-BTC quy định như sau:
“Phương pháp kế toán
1. Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ nếu không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán (chỉ ghi chép nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào khoản mục cần theo dõi mà không cần phản ánh các tài khoản đối ứng) để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập, các khoản thuế phải nộp nhà nước, các khoản tiền lương và các khoản trích theo lương,… phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước.
2. Trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ có nhu cầu áp dụng các tài khoản kế toán như các doanh nghiệp nộp thuế TNDN theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế để phục vụ yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị thì được vận dụng các quy định tại chương II Thông tư này để thực hiện.”
Chiếu theo quy định này, Doanh nghiệp siêu nhỏ được quyền chọn mở các tài khoản kế toán hoặc không để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập, các khoản thuế phải nộp nhà nước, các khoản tiền lương và các khoản trích theo lương,… phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước.
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với chuyên viên, luật sư của Công ty Luật TNHH An Trí Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 0913169599, E-mail: antrivietlaw@gmail.com. Địa chỉ: Số 10BT2 khu nhà ở Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.