Luật An Trí Việt

DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC LÀ GÌ?

Vậy, doanh nghiệp nhà nước là gì? Pháp luật có các quy định như thế nào về doanh nghiệp nhà nước?

Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước là một thành phần kinh tế có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, giữ một vai trò then chốt và là lực lượng vật chất, trụ cột quan trọng của nền kinh tế nhà nước.

1. Doanh nghiệp nhà nước là gì?

Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về doanh nghiệp nhà nước như sau:

“1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.”

Như vậy, pháp luật hiện hành không đưa ra một định nghĩa cụ thể thế nào là doanh nghiệp nhà nước mà chỉ liệt kê ra các loại hình doanh nghiệp nhà nước. Tuy vậy, chiếu theo quy định pháp luật, có thể hiểu doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế được nhà nước sở hữu toàn bộ hoặc hơn một nửa số vốn, số cổ phần trong doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này thuộc toàn quyền sở hữu của nhà nước hoặc chủ yếu thuộc quyền sở hữu của nhà nước, vì vậy, chính phủ có thể có ảnh hưởng, chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp đối với doanh nghiệp.

2. Đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước

Chủ đầu tư: là nhà nước hoặc nhà nước cùng với các tổ chức, cá nhân khác. Với tư cách là chủ đầu tư duy nhất hoặc nắm giữ phần lớn vốn góp doanh nghiệp, nhà nước có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến sự thành lập và hoạt động của từng doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, nhà nước có quyền quyết định việc hình thành, tổ chức lại và định đoạt, quyết định các mục tiêu, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư tài chính, quyết định mô hình tổ chức quản lý, quyết định giải thể, kiểm tra, giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của doanh nghiệp…

Sở hữu vốn: nhà nước sở hữu toàn bộ số vốn điều lệ (100%) hoặc sở hữu phần vốn góp chi phối doanh nghiệp (trên 50% nhưng dưới 100% vốn điều lệ).

Hình thức tồn tại: doanh nghiệp nhà nước tồn tại dưới nhiều hình thức. Nếu doanh nghiệp do nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì có các loại hình doanh nghiệp như: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần. Nếu doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì có thể tồn tại dưới dạng công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Trách nhiệm tài sản: doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm trong phạm vi số tài sản của doanh nghiệp. Nhà nước chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.

Tư cách pháp lý: doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Luật áp dụng: các công ty nhà nước đã thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ được tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp.

3. Phân loại doanh nghiệp nhà nước

3.1. Dựa trên hình thức tổ chức doanh nghiệp nhà nước

Dựa trên hình thức tổ chức doanh nghiệp nhà nước, có thể chia thành các loại như sau:

– Công ty nhà nước: là doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ thành lập, tổ chức quản lý và tồn tại dưới hình thức công ty nhà nước độc lập và tổng công ty nhà nước.

– Công ty cổ phần nhà nước: là công ty cổ phần trong đó, toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước hoặc tổ chức do nhà nước ủy quyền góp vốn.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên: là công ty trách nhiệm hữu hạn có nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có từ hai thành viên trở lên: là công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó, tất cả các thành viên đều là công ty nhà nước hoặc có thành viên là công ty nhà nước, thành viên được ủy quyền góp vốn.

– Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước: là doanh nghiệp mà cổ phần hoặc vốn góp của nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ, nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp.

3.2. Dựa theo nguồn vốn

Dựa theo nguồn vốn, doanh nghiệp nhà nước được chia thành:

– Doanh nghiệp nhà nước do nhà nước sở hữu 100% vốn, bao gồm: công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước hai thành viên trở lên.

– Doanh nghiệp do nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối, gồm: công ty ty cổ phần mà nhà nước chiếm trên 50% cổ phiếu, công ty trách nhiệm hữu hạn mà nhà nước chiếm trên 50% vốn góp.

3.3. Dựa vào mô hình tổ chức quản lý

Theo mô hình tổ chức quản lý, doanh nghiệp nhà nước được phân loại như sau:

– Doanh nghiệp nhà nước có hội đồng quản trị: hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp cho chủ sở hữu là nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước nhà nước.

– Doanh nghiệp nhà nước không có hội đồng quản trị: giám đốc doanh nghiệp được nhà nước bổ nhiệm hoặc thuê để điều hành hoạt động của công ty.

Có thể thấy, từ lâu, doanh nghiệp nhà nước luôn giữ một vai trò, vị trí quan trọng đối với nền kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội, chính trị của đất nước. Luật Doanh nghiệp 2020 đã có một số thay đổi trong quy định về doanh nghiệp nhà nước, từ đó giúp cho việc tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp tư nhân ngày một hiệu quả hơn.

Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với chuyên viên, luật sư của Công ty Luật TNHH An Trí Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 0913169599, E-mail: antrivietlaw@gmail.com. Địa chỉ: Số 10BT2 khu nhà ở Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

5/5

Các dịch vụ chính

Bài viết liên quan