Luật An Trí Việt

THỦ TỤC CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Hotline: 0913.169.599 hoặc 0968.589.845

1. Di sản thừa kế là gì?

Di sản thừa kế bao gồm: tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác; quyển sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự và đất đai.

Di sản thừa kế còn bao gồm các quyền và nghĩa vụ tài sản của người chết để lại như: quyền đòi nợ, quyền đòi bồi thường thiệt hại; các quyền nhân thân gắn với tài sản như: quyền tác giả, quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; các khoản nợ, các khoản bồi thường thiệt hại…

2. Quy định chung về thủ tục chia di sản thừa kế

(i) Thời điểm mở thừa kế (Điều 611 BLDS 2015): là thời điểm người có tài sản chết;

Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được Tòa án xác định theo Khoản 2 Điều 71 BLDS;

(ii) Địa điểm mở thừa kế (Điều 611 BLDS 2015): là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản;

(iii) Thời hiệu thừa kế (Điều 623 BLDS 2015:

a. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản: là ba mươi (30) năm đối với bất động sản, mười (10) năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế;

b. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác: là mười (10) năm, kể từ thời điểm mở thừa kế;

c. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại: là ba (03) năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thủ tục mở thừa kế

(i) Bước 1: Nộp hồ sơ và kiểm tra hồ sơ:

a. Hồ sơ gồm:

– Phiếu yêu cầu công chứng;

– Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người để lại di sản;

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc trích lục đăng ký kết hôn của người để lại di sản;

– Giấy tờ tùy thân của các thừa kế như Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu…;

– Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản (nếu thừa kế theo pháp luật): giấy khai sinh, đăng ký kết hôn,…;

– Bản sao di chúc (nếu thừa kế theo di chúc);

– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản (nếu di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu);

– Dự thảo Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có).

Lưu ý: cần mang theo giấy tờ, văn bản gốc để đối chiếu.

b. Nơi nộp hồ sơ: tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố có bất động sản;

c. Kiểm tra hồ sơ:

Sau khi nộp đủ giấy tờ, hồ sơ, Công chứng viên sẽ xem xét, kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản.

– Nếu đầy đủ thì sẽ tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng;

– Nếu hồ sơ không đầy đủ thì người thừa kế sẽ được hướng dẫn và yêu cầu bổ sung;

– Nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

(ii) Bước 2: Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản (Điều 18 NĐ 29/2015/NĐ-CP)

a. Thực hiện niêm yết:

– Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó;

– Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản;

– Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.

b. Nội dung niêm yết:

– Phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế;

– Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

c. Thời gian niêm yết là mười lăm (15) ngày;

d. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.

(iii) Bước 3: Ký công chứng và trả kết quả

a. Sau khi nhận được kết quả niêm yết không có khiếu nại, tố cáo, tổ chức hành nghề công chứng sẽ hướng dẫn người thừa kế ký:

– Văn Bản Khai Nhận Di Sản (Điều 58 Luật công chứng) nếu:

+ Chỉ có một (01) người duy nhất hưởng di sản (theo pháp luật hoặc theo di chúc);

+ Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản;

+ Trường hợp người thừa kế có cả người thừa kế theo di chúc và những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 644 BLDS mà tất cả các thừa kế cùng nhận di sản và thỏa thuận không phân chia di sản.

– Văn Bản Thỏa Thuận Phân Chia Di Sản (Điều 57 Luật công chứng), nếu:

+ Những người thừa kế theo pháp luật mà có thỏa thuận phân chia di sản;

+ Những người thừa kế theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người và có thỏa thuận phân chia di sản;

+ Trường hợp người thừa kế có cả người thừa kế theo di chúc và những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 644 BLDS mà có thỏa thuận phân chia di sản.

b. Sau đó, Công chứng viên yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ, hồ sơ đã nêu ở trên để kiểm tra, đối chiếu trước khi ký xác nhận vào lời chứng và từng trang của văn bản;

c. Khi hoàn tất hồ sơ, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành thu phí, thù lao công chứng và trả lại bản chính của Văn Bản Thỏa Thuận Phân Chia Di Sản hoặc Văn Bản Khai Nhận Di Sản cho (những) người thừa kế.

(iv) Bước 4: Thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với di sản

Đối với một số loại tài sản cần phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: nhà ở, quyền sử dụng đất, ôtô, xe máy,… sau khi đã làm thủ tục khai nhận di sản, người được hưởng di sản nộp hồ sơ trong đó có Văn Bản Thỏa Thuận Phân Chia Di Sản/Văn Bản Khai Nhận Di Sản đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH An Trí Việt:

1) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

2) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH An Trí Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật:

E-mail: antrivietlaw@gmail.com. Hotline: 0913.169.599 hoặc 0968.589.845


Các dịch vụ chính

Bài viết liên quan