Thế chấp quyền sử dụng đất là một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất. Để thực hiện được cần đáp ứng đủ các điều kiện được quy định và quy trình các bước thực hiện thủ tục. Dưới đây, Luật An Trí Việt sẽ cung cấp thông tin cho Quý khách hàng thông tin chi tiết về thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật đất đai 2013
– Nghị định 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm
2. Thế chấp quyền sử dụng đất là gì?
Thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên tuân theo các điều kiện, nội dung, hình thức chuyển quyền sử dụng đất được Bộ luật dân sự và pháp luật đất đai quy định theo đó bên sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình đi thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ dân sự.
3. Điều kiện để thế chấp quyền sử dụng đất
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp khi có đủ điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Ngoài ra, việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
4. Thủ tục tiến hành thế chấp quyền sử dụng đất
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Căn cứ Điều 39 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký thế chấp nộp 1 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:
– Phiếu yêu cầu đăng ký theo Mẫu số 01/ĐKTC (1 bản chính);
– Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (1 bản chính hoặc 1 bản sao có chứng thực);
– Bản chính giấy chứng nhận (Sổ đỏ, sổ hồng);
– Văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất về việc tạo lập tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (1 bản chính hoặc 1 bản sao có chứng thực hoặc 1 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).
– Giấy tờ chứng minh trong các trường hợp sau đây:
+ Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (1 bản chính hoặc 1 bản sao có chứng thực hoặc 1 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);
+ Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thể nộp hồ sơ tại các địa điểm sau:
1. Văn phòng đăng ký đất đai;
2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã;
3. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa đối với các địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ.
Bước 3: Giải quyết và trả kết quả
Trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký và trả kết quả ngay trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ thì cũng không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH An Trí Việt:
1) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
2) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH An Trí Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật:
E-mail *: antrivietlaw@gmail.com. Hotline (: 02485.889.777 hoặc 0968.589.845